Hiện tại mình đang Việt hoá một bộ Font bản thân rất thích nhưng chưa thấy ai làm cho ngôn ngữ tiếng Việt. Vì vậy mình viết bài này để ghi lại cách mình đã Việt hoá font chữ này, và hướng dẫn cách Việt hoá Font chữ bất kỳ trên MacOS (Windows làm tương tự).
Việt hoá Font chữ là gì?
Font chữ, hay “phông chữ” (thực ra là Typeface) là cách gọi quen thuộc của người Việt để chỉ một bộ các ký tự đơn lẻ có thể ghép vào thành chữ của một ngôn ngữ nào đó.
Tiếng Việt của chúng ta sử dụng bộ ký tự Latin tương tự tiếng Anh. Tuy nhiên có một số ký tự có dấu, nên không phải Font chữ nào cũng có những ký tự này.
Nếu bạn yêu thích cái đẹp và hay khám phá các Font chữ mới lạ, chắc hẳn đã gặp trường hợp Font chữ bị lỗi khi gõ tiếng Việt, mà chúng ta hay gọi là “lỗi font“.
Nhẹ thì vẫn đọc được nhưng mất tính thẩm mỹ, còn nặng thì không đọc được nội dung:


Chính vì vậy, việc Việt hoá Font chữ là cần thiết.
Việt hoá Font chữ là công việc sửa các ký tự hiển thị sai, thêm các ký tự bị thiếu vào bộ Font (hay Typeface) để có thể sử dụng được bộ Font đó đầy đủ và đẹp mắt trong tiếng Việt.
Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ.
Nhưng kết quả nhận được rất thoả mãn.
Hãy cùng đi qua một số khái niệm cơ bản của Typography và cách thực hiện Việt hoá một bộ Font nhé.
Các khái niệm cơ bản của Typography
- Typeface (Kiểu chữ): Khái niệm này thường bị gọi nhầm là Font. Typeface là một tập hợp các ký tự có chung một thiết kế nhất quán, bao gồm các chữ cái, số và ký hiệu. Kiểu chữ đề cập đến phong cách tổng thể và thiết kế của các ký tự. Ví dụ về typeface phổ biến là Times New Roman, Roboto, Arial, Montserrat, hay Inter.
- Font (Phông chữ): Một biến thể hoặc kiểu cụ thể trong một kiểu chữ. Ví dụ: Arial là một kiểu chữ và Arial Bold là một phông chữ trong kiểu chữ đó.
- Serif: Một nét hoặc đường trang trí nhỏ gắn vào phần cuối của các nét chính trong một mẫu chữ. Kiểu chữ Serif thường được coi là truyền thống hoặc trang trọng hơn.
- Sans-serif: Một kiểu chữ không có chân. Kiểu chữ Sans-serif thường được coi là hiện đại và sạch sẽ hơn.
- Kerning: Điều chỉnh khoảng cách giữa các ký tự riêng lẻ trong một từ hoặc dòng văn bản để cải thiện mức độ dễ đọc và cân bằng hình ảnh.
- Leading: Khoảng cách dọc giữa các dòng văn bản. Leading thích hợp giúp cải thiện khả năng đọc và ngăn các dòng xuất hiện quá chật chội hoặc quá lỏng lẻo.
- Tracking: Việc điều chỉnh tổng thể khoảng cách giữa các ký tự trong một từ hoặc dòng văn bản. Nó ảnh hưởng đến mật độ tổng thể và sự hài hòa về hình ảnh của văn bản.
- Baseline (Đường cơ sở): Một đường tưởng tượng mà các ký tự trong kiểu chữ nằm trên đó. Nó cung cấp một điểm tham chiếu nhất quán để căn chỉnh và đảm bảo khả năng đọc phù hợp.
- x-height: Chiều cao của các chữ cái viết thường trong kiểu chữ, thường được đo từ đường cơ sở đến đầu ký tự x. Nó ảnh hưởng đến sự cân bằng hình ảnh tổng thể và mức độ dễ đọc của kiểu chữ.
- Counter (Bộ đếm): Không gian kín hoặc kín một phần trong một mẫu chữ, chẳng hạn như khoảng trống bên trong chữ “O” hoặc “B.”
- Ligature (Chữ ghép): Một ký tự duy nhất kết hợp hai hoặc nhiều chữ cái riêng lẻ. Chữ ghép thường được sử dụng để cải thiện dòng chảy hình ảnh và tính thẩm mỹ của các kết hợp ký tự nhất định.
- Glyph (Ký tự): Một biểu diễn đồ họa cụ thể của một ký tự trong một kiểu chữ. Một glyph có thể là một chữ cái, số, ký hiệu hoặc bất kỳ ký tự nào khác.
- Ascender (không biết dịch là gì :D): Phần của chữ thường kéo dài trên chiều cao x, chẳng hạn như gốc của chữ thường “h” hoặc “b.”
- Descender: Phần của chữ thường kéo dài bên dưới đường cơ sở, chẳng hạn như đuôi của chữ thường “g” hoặc “p.”
- Optical size (Kích thước quang học): Các biến thể của kiểu chữ được thiết kế đặc biệt cho các kích cỡ văn bản khác nhau. Kích thước quang học giúp duy trì mức độ dễ đọc ở các tỷ lệ khác nhau.
Rồi, giờ bắt đầu vào phần thú vị và tốn thời gian nhất: bắt đầu thiết kế bản Việt hoá cho Font chữ bạn yêu thích.
Hướng dẫn cách Việt hoá Font chữ
Thực chất, việc Việt hoá font chữ là vẽ thêm hoặc sửa các ký tự hiển thị sai (hầu hết là các ký tự nguyên âm chứa dấu câu như ắ ấ ố …). Chính vì vậy nó khá tốn thời gian và công sức.
Tuy nhiên, mặc dù nói là vẽ nhưng các bạn cũng đừng lo lắng. Bởi có rất nhiều phần mềm hỗ trợ thiết kế font chữ rất chuyên nghiệp và tiện dụng. Nổi bật trong số đó là FontLab và Glyphs.
Ở bài này mình sẽ sử dụng phần mềm Glyphs để Việt hoá font General Sans.
Bước 1: Chuẩn bị
Hãy đảm bảo bạn thực hiện các điều kiện sau:
- Có một máy tính chạy Windows hoặc MacOS. Ở trường hợp này mình dùng Mac, Windows thao tác tương tự.
- Tải phần mềm Glyphs về máy và cài đặt
- Tải Font chữ bạn muốn Việt hoá và cài đặt vào máy. Nếu bạn dùng Mac thì chỉ cần kéo folder chứa Font chữ, thả vào cửa sổ của app Font Book là tự động cài đặt.
LƯU Ý QUAN TRỌNG:
Do mỗi bộ Font sẽ bị thiếu các ký tự tiếng Việt khác nhau, vì thế bạn cần ghi lại tất cả các ký tự mà bộ Font đó thiếu, để có thể thiết kế và thêm vào Font bằng phần mềm.
Ở đây mình liệt kê giúp bạn luôn các ký tự thường bị lỗi:
- Á À Ả Ã Ạ
- á à ả ã ạ
- Ấ Ầ Ẩ Ẫ Ậ
- ấ ầ ẩ ẫ ậ
- Ắ Ằ Ẳ Ẵ Ặ
- ắ ằ ẳ ẵ ặ
- Ó Ò Ỏ Õ Ọ
- ó ò ỏ õ ọ
- Ớ Ờ Ở Ỡ Ợ
- ớ ờ ở ỡ ợ
- Ố Ồ Ổ Ỗ Ộ
- ố ồ ổ ỗ ộ
- É È Ẻ Ẽ Ẹ
- é è ẻ ẽ ẹ
- Ế Ề Ể Ễ Ệ
- Í Ì Ỉ Ĩ Ị
- í ì ỉ ĩ ị
- Ý Ỳ Ỷ Ỹ Ỵ
- ý ỳ ỷ ỹ ỵ
Lưu ý rằng có thể Font chữ mà bạn muốn Việt hoá chỉ thiếu một số ký tự trong số trên. Khi đó các bạn chỉ cần bổ sung các ký tự thiếu, không cần làm hết.
Khi bạn đã liệt kê đủ các ký tự mà Font thiếu, thì hãy bước sang bước 2.
Bước 2: Tiến hành Việt hoá Font chữ
Đầu tiên, bạn mở app Glyphs. Sau đó click vào File > Open
Tìm tới Folder chứa Typeface* bạn muốn Việt hoá, chọn một Font
(*) bạn còn nhớ Typeface là gì chứ? Nếu không hãy kéo lên phần trên để hiểu thuật ngữ cơ bản.

Ví dụ: Với Typeface General Sans, thì mình chọn Font General Sans Regular để làm trước.
Thông thường, với mỗi phiên bản font (regular, medium, bold, black, italic,…), bạn đều phải bổ sung tất cả các ký tự còn thiếu.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn Việt hoá 100% font chữ để sử dụng đa mục đích, bạn buộc phải bổ sung TẤT CẢ KÝ TỰ CÒN THIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC FONT TRONG TYPEFACE.
Trường hợp của mình sẽ chỉ làm Regular, Medium, và Bold
Bước 3: Thêm các ký tự còn thiếu
Ở đây mình ví dụ với một ký tự là chữ “Ĩ” (i in hoa và dấu ngã).
Đầu tiên, các bạn thêm một ký tự mới bằng cách chọn Glyph -> New glyph
Hoặc sử dụng tổ hợp phím Cmd + SHIFT + G

Bạn đặt tên cho Glyph bằng mã Unicode của ký tự, ở đây là uni0128.
Phần mềm sẽ bật một cửa sổ để thêm ký tự:

Với ký tự Ĩ, mình sẽ lấy chữ I viết hoa có sẵn của bộ font General Sans:

Tiếp theo là thêm dấu ngã.
Rất may trong bộ font này có ký tự dấu ngã, mình sẽ thêm dấu ngã có sẵn, đồng thời thu nhỏ lại để phù hợp với chữ I hơn.

Vậy là xong một ký tự.
Lưu ý đây chỉ là một ví dụ. Khi bắt tay vào làm, các bạn sẽ phải làm tất cả các ký tự còn thiếu.
Bước 4: Xuất file Font
Sau khi hoàn thành, bạn vào File -> Export
Lựa chọn Font của bạn, điền thông tin, và xuất ra file OTF hoặc TTF (dành cho web).
Một số lưu ý khi tạo Font của riêng bạn
Dưới đây là một số lưu ý để bạn tạo một bộ ký tự đồng nhất:
- Điều chỉnh kernings cho phù hợp với các ký tự có sẵn của bộ font
- Khoảng cách của dấu câu nên tương đương nhau dành cho chữ viết hoa, hoặc chữ viết thường
- Dấu câu nên có cùng kích thước, trừ một số ký tự vừa có dấu ký tự, vừa có dấu câu. Ví dụ ế ấ…
- Một số ký tự không có sẵn trong typeface, bạn có thể tham khảo các typeface tương tự. Trường hợp của mình General Sans khá giống Helvetica, Inter, SF Pro, hay Graphik Web. Vì vậy mình đã tận dụng mộ số ký tự của các typeface trên.
Cuối cùng, hãy linh hoạt và tuỳ biến. Quá trình việt hoá Font hay làm font của riêng bạn cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Hãy thoải mái sáng tạo và mình hứa kết quả sẽ không làm bạn thất vọng.